CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRỊ TOÀN DIỆN TẠI TRUNG TÂM OSCA VIỆT NAM
Điều trị toàn diện đối với trẻ mắc khe hở môi, vòm miệng cần có sự phối hợp của nhiều bác sỹ chuyên khoa và sự hợp tác của gia đình.
PHẪU THUẬT ĐÓNG KHE HỞ MÔI
- Mục đích của phẫu thuật là đóng kín KHM với một đường sẹo nhỏ.
- Phẫu thuật đóng KHM sẽ được tiến hành khi trẻ được 3-6 tháng tuổi, nặng trên 6kg và hiện không mắc các bệnh khác như sốt, tiêu chảy, viêm phổi, bệnh tim…
PHẪU THUẬT ĐÓNG KHE HỞ VÒM MIỆNG
- Mục đích của phẫu thuật là đóng kín KHVM để trẻ có thể ăn, uống và tập nói được như trẻ bình thường.
- Phẫu thuật đóng KHMV được tiến hành khi trẻ được 15-18 tháng tuổi, nặng trên 10kg và hiện không mắc các bệnh khác như sốt, tiêu chảy, viêm phổi, bệnh tim,…
ĐIỀU TRỊ VIÊM TAI GIỮA
- Trẻ có KHMV có nguy cơ cao bị viêm tai giữa. Viêm tai sẽ làm giảm chức năng nghe của trẻ.
- Khi trẻ có các dấu hiệu như sốt, đau tai (trẻ khóc dai dẳng, lấy tay giật tai hoặc hay gụi đầu bên tai đau), chảy mủ ở tai,… hãy cho trẻ đi khám để được phát hiện và điều trị.
TRỊ LIỆU NGÔN NGỮ
- Trẻ có KHVM thường chậm nói hơn các trẻ bình thường khác và nói không rõ, ví dụ: “đi chợ” thành “…i…ợ” khiến người nghe khó hiểu. Rối loạn lời nói và nghe kém ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học nói, học tập, công việc và đời sống của trẻ sau này.
- Khi trẻ có rối loạn về lời nói, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ chuyên khoa hoặc chuyên gia trị liệu ngôn ngữ để được tư vấn và điều trị.
CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG
- Khi răng đã mọc, bạn cần lau răng của trẻ bằng một khăn ẩm sau mỗi lần cho trẻ ăn vì đường trong sữa mẹ hoặc sữa bột có thể làm trẻ bị sâu răng.
- Khi trẻ lớn phải hướng dẫn trẻ đánh răng hàng ngày đúng cách.
GHÉP XƯƠNG Ổ RĂNG
- Trẻ mắc KHM, KHVM thường có khe hở cung răng kèm theo, tức phần xương để mọc răng bị khuyết.
- Ghép xương ổ răng là phẫu thuật lấy xương từ vị trí khác của cơ thể trẻ hoặc dùng bột xương để đặt vào vị trí có khe hở của cung răng, được tiến hành khi trẻ khoảng 7-8 tuổi.
- Ghép xương ổ răng sẽ tạo nền xương để răng tại vị trí khe hở và răng cạnh khe hở có thể mọc; tạo nền xương để môi, mũi trẻ cân xứng; làm xương hàm trên của trẻ được liên tục và vững chắc,…
Ngoài ra, tuỳ từng loại và mức độ của khe hở, trẻ có thể cần thêm một số hỗ trợ đặc biệt khác như chỉnh nha, phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh sửa sẹo môi, tạo hình nền mũi, lỗ mũi, chỉnh vách mũi,…nếu cần.